Nguy cơ mất khách nếu không theo xu hướng
Bà Phạm Phương Thảo, CEO hệ thống cửa hàng thực phẩm Organica cho rằng, khách hàng ở đâu, doanh nghiệp phải ở đó. Bà Thảo phân tích, trước đây, trong 100 đơn hàng của Organica thì có 10-15 đơn online. Sau dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi, hiện có khoảng 20-30/100 đơn qua các kênh online, điện thoại và tỉ lệ này đang tăng lên. Trung bình, một đơn hàng online có giá trị cao hơn 20-30% so với đơn hàng mua trực tiếp.
Đây là xu hướng tiêu dùng của ngành bán lẻ trong thời gian tới, nếu không tập trung chuyển đổi số, doanh nghiệp có nguy cơ mất khách.
“Với Organica, cái gì ứng dụng công nghệ được mà hiệu quả thì làm, cái gì tiếp cận khách bằng online được thì đầu tư. Đầu tiên là website, sau đó là app. Rồi ứng dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, quản lý nhân sự, kế toán để liên thông các bộ phận, quản lý hàng tồn, bán hàng… Sắp tới, những địa điểm nào kinh doanh không hiệu quả, chúng tôi có thể đóng cửa, dành nguồn lực thuê mặt bằng, kho bãi, điện nước…”, bà Phương Thảo chia sẻ.
Bà Phạm Ánh Thu, Phó giám đốc Công ty TNHH Rica chuyên phân phối các loại nấm nuôi trồng tại Việt Nam, cho hay: “Rica chủ yếu bán sỉ sản phẩm, chỉ 1-2% bán lẻ, nhưng vận hành mà không áp dụng công nghệ thì hiệu suất công việc sẽ giảm, kết quả kinh doanh ảnh hưởng. Kinh doanh trực tuyến khiến quy trình bán hàng diễn ra nhanh hơn, tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Khi có dữ liệu khách hàng cụ thể, doanh nghiệp sẽ chăm sóc khách tốt hơn, từ đó tăng doanh thu”, bà Thu nói.
Ông Nguyễn Văn Thứ, người sáng lập và điều hành Công ty TNHH Thực phẩm G.C (GC Food) cho rằng, chuyển đổi số giúp việc quản lý sản xuất, bán hàng, đào tạo đội ngũ... hiệu quả hơn. Việc sử dụng các thiết bị như điện thoại thông minh, cảm biến, thiết bị đo lường để thu thập dữ liệu (sản xuất, thu hoạch...) giúp hoạt động điều hành sản xuất hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản lượng thu hoạch, tiết giảm chi phí.
Rào cản về nhân sự, chi phí đầu tư
Bà Ánh Thu cho biết: “Nếu bổ sung thêm hai nhân sự cho việc chuyển đổi số sẽ tốn thêm khoảng 20-25 triệu đồng/tháng. Chi phí này là lớn đối với chúng tôi khi lợi nhuận mỗi tháng còn rất ít, thậm chí không có lợi nhuận”.
Bà Phương Thảo thì cho rằng đây là lĩnh vực mới nên cần thời gian, bởi sau khi có nền tảng công nghệ sẽ phải có nhân sự vận hành hệ thống, triển khai vào kinh doanh thực tế. Nhân sự phải được đào tạo để sử dụng công nghệ, chuyển đổi từ kinh doanh trực tiếp sang online. Tại Organica, riêng phần hệ thống bán hàng có 3 giai đoạn, bao gồm đồng bộ với phần mềm bán hàng, app và nâng cấp các tính năng theo từng giai đoạn đã hết hơn 1 tỷ đồng, đây là con số đáng lưu tâm với một doanh nghiệp nhỏ.
“Khó khăn lớn của công ty là tư duy hạn chế và tâm thế thay đổi của lãnh đạo. Hầu hết lãnh đạo không có kiến thức chuyên sâu về công nghệ, nên họ cần sự tư vấn của đội ngũ chuyên gia. Dự án chuyển đổi số khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian hơn so với hoạch định ban đầu, cũng là một khó khăn lớn”, ông Nguyễn Văn Thứ cho biết.
Bước nhỏ, chậm mà chắc
“Thực tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ có lợi thế hơn khi chuyển đổi số vì có quy mô nhỏ, khối lượng công việc, hệ thống nhân sự đỡ cồng kềnh, theo đó, việc triển khai áp dụng các phần mềm quản lý cũng thuận lợi, nhanh, ít rủi ro hơn”, ông Chu Võ Kim Long, Giám đốc Công ty Tư vấn truyền thông Minara chia sẻ.
Cũng theo ông Long, doanh nghiệp phải chọn và thuê được phần mềm, hệ thống phù hợp, có thể chỉ với chi phí dưới 50 triệu/năm. Quan trọng là lãnh đạo doanh nghiệp, nhân viên phải sẵn sàng trong việc chuyển đổi số, cam kết, kiên định sử dụng phần mềm, hệ thống đã chọn.
Doanh nghiệp có thể chọn chuyển đổi số từng phần, muốn tối ưu hóa phần hoạt động nào thì triển khai phần đó trước, như vậy sẽ giảm chi phí đầu tư công nghệ bước đầu. Hoạt động thành công sẽ tiếp tục đầu tư chuyển đổi các phần tiếp theo.
Tận dụng nguồn nhân lực có sẵn. Mọi vị trí trong công ty phải cùng tham gia trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Có thể áp dụng chính sách thêm giờ cho nhân viên hoặc thuê thêm các đơn vị hỗ trợ triển khai bên ngoài.
Ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Vị Việt (Vivifoods) cho rằng, để chuyển đổi số mang lại kết quả, doanh nghiệp phải làm việc với đơn vị tư vấn, đưa ra mục tiêu của mình để họ tìm ra giải pháp, phần mềm quản lý thích hợp nhất. Chi phí cho đơn vị tư vấn khoảng 300 triệu đồng.
Tiếp đó là đào tạo nhân viên, từ đây, thói quen, cách thức làm việc của họ cũng thay đổi và hình thành văn hóa mới của công ty.
Trong quá trình thực hiện thử nghiệm chuyển đổi số sẽ từng bước thay đổi, chỉnh sửa. Với Vivifoods, sau gần một năm thực hiện chuyển đổi số, quy trình sản xuất ở nhà máy và hoạt động tại văn phòng vẫn đang tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện.
“Chúng tôi bắt đầu chuyển đổi số từ tháng 10/2021, tới nay thấy rõ hiệu quả, như việc truy xuất dữ liệu thuận lợi, nhanh chóng, chính xác; doanh thu tăng gấp đôi và kỳ vọng còn tăng trong thời gian tới. Chúng tôi cũng hướng tới việc chuyển đổi số cho hệ thống bán hàng bên ngoài”, ông Thành nói thêm.
Những khó khăn, rào cản doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số:
Chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ (chiếm 60,1%); thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh (52,3%); thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ (52,3%); thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ (45,4%); thiếu thông tin về công nghệ số, khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số; thiếu cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động; chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ cao (57,8%); thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số (52,2%); thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số (48,9%); khó khăn khi thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh (46,7%).
(Theo Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện).
Theo Vũ Yến - Vì sao doanh nghiệp nhỏ 'ngại' chuyển đổi số? - Doanhnhantrevietnam.vn
https://doanhnhantrevietnam.vn/vi-sao-doanh-nghiep-nho-ngai-chuyen-doi-so-d15744.html