DNS nghĩa là gì?
DNS là viết tắt của cụm từ Domain Name System hay Hệ thống phân giải tên miền được hiểu là một hệ thống giúp chuyển đổi tên miền website (ví dụ như www.minara.vn) sang một địa chỉ IP tương ứng và ngược lại.
Mỗi thiết bị được kết nối với Internet có một địa chỉ IP duy nhất và từ địa chỉ IP này, bạn có thể nhanh chóng truy cập được vào tài nguyên của máy chủ. Tuy nhiên, những con số này thường dài và rất khó nhớ chẳng hạn địa chỉ IP 192.168.1.1 (trong IPv4) hoặc các địa chỉ IP gồm chữ và số phức tạp hơn như 2400: cb00: 2048: 1 :: c629: d7a2 (trong IPv6), vì vậy DNS được phát triển như một loại “danh bạ điện thoại” cho phép mọi người tra cứu tên của một người với số “điện thoại” của họ.
Vai trò của DNS là gì
Mỗi website có một tên miền và một địa chỉ IP riêng, việc nhớ tên miền sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc ghi nhớ địa chỉ IP với nhiều con số hoặc cả số và chữ phức tạp. Muốn truy cập một website chỉ cần nhập tên miền, trình duyệt sẽ nhanh chóng dẫn bạn đến thẳng website mà không cần thông qua việc nhập địa chỉ IP của website đó. Quá trình “dịch” tên miền thành địa chỉ IP và ngược lại như thế này để trình duyệt hiểu và truy cập được vào website là công việc của một DNS server.
Cách sử dụng DNS
Khi truy cập vào một tên miền nào đó, trình duyệt sẽ “nhờ” các DNS server biên dịch tên miền đó thành địa chỉ IP. Tuy nhiên, tốc độ biên dịch của các DNS nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc vào loại DNS mà bạn lựa chọn sử dụng. Trong trường hợp không chỉ định DNS server cụ thể thì sẽ sử dụng DNS server mặc định của nhà cung cấp dịch vụ mạng, hoặc bạn có thể đăng ký sử dụng DNS khác (miễn phí hoặc trả phí) bằng cách nhập thông số vào network connections. Để dùng DNS khác, bạn cần phải thay đổi chúng trong máy tính của mình.
Các bước thay đổi DNS server đơn giản trên Windows 10:
Bước 1: Truy cập Start – Setting – chọn Network & Internet – sau đó chọn “Change adapter options”
Bước 2: Click vào Ethernet – chọn Internet Protocol Version 4 hoặc Version 6
Bước 3: Chọn “Use the following DNS server addresses” điền đầy đủ thông số DNS server mong muốn vào hai ô “Preferred DNS server” và “Alternate DNS server”.
DNS Server là gì? Các loại DNS Server hiện nay
DNS server có hai loại chính, bao gồm:
- Root Name Server
- Local Name Server
Sự khác biệt giữa hai loại DNS server này là gì? Cùng tìm hiểu rõ hơn trong nội dung dưới đây.
Root name servers là gì?
Root Name Server hay còn gọi là Name Server là một dịch vụ phân giải tên miền gốc và quản lý tất cả các tên miền cao cấp nhất (TLD) như .com, .net, .org… sau đó sẽ phân cấp ra thành các bậc thấp hơn. Khi có một yêu cầu phiên dịch tên domain thành địa chỉ IP, DNS Root Server sẽ căn cứ vào TLD của tên domain trong truy vấn của người dùng để chuyển hướng đến đúng địa chỉ cần truy vấn.
Trên thế giới hiện có khoảng 13 DNS Root Server, được vận hành bởi các tổ chức như Verisign, Cogent, Đại học Maryland và U.S. Army Research Lab.
Local name servers là gì?
Local Name Server là một máy chủ định danh chỉ lưu trữ thông tin cho các máy khách cục bộ khi nó đã được truy xuất từ máy chủ tên miền lưu trữ (authority) cho các tên miền bậc thấp hơn.
Local server có thể tăng tốc hiệu quả các truy vấn cho mạng cục bộ bằng cách cung cấp các tên miền được tìm thấy bởi các truy vấn trước đó. Loại này thường được duy trì bởi các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISPs).
Cơ chế hoạt động của DNS
Tất cả mọi thứ được kết nối với internet – website, tablet, laptop, điện thoại di động, Google Home,… đều có một địa chỉ IP riêng với một dãy các con số hoặc cả số và chữ phức tạp, khó nhớ.
Nhờ DNS, bạn không cần phải ghi nhớ những con số vừa dài vừa khó này. Mỗi khi nhập tên miền, DNS Server sẽ định vị trang web và chuyển tên đó thành địa chỉ IP tương ứng. Vì vậy khi bạn gõ www.google.com vào trình duyệt web, bạn chỉ phải nhớ URL này thay vì con số 172.217.161.142.