Design Thinking là gì?
Design Thinking hay tư duy thiết kế là phương pháp sáng tạo những giải pháp chưa từng có để giải quyết một vấn đề. Tư duy thiết kế sẽ đi từ quá trình tìm hiểu về người dùng, xác định vấn đề cho đến đưa ra những giải pháp sáng tạo cuối cùng nhằm đổi mới và tối ưu mục tiêu.
Hiểu một cách đơn giản, Design Thinking sẽ giúp các thương hiệu hiểu sâu các vấn đề liên quan đến con người thông qua cách tiếp cận thực tế bằng các phương thức kiểm tra và tư duy hình ảnh.
"Design Thinking là một phương pháp thiết kế ra những sản phẩm lấy con người làm trung tâm"
Phương pháp Design Thinking được rất nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Google và GE áp dụng trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm cũng như thuật toán của mình. Hiện nay, mô hình tư duy thiết kế cũng đang được đưa vào quá trình giảng dạy của nhiều trường đại học danh tiếng như Harvard, MIT, Stanford và D.School.
Lợi ích khi áp dụng Design Thinking là gì?
Tập trung giải quyết vấn đề hiện tại: Mục tiêu của Design Thinking chính là đưa ra giải pháp hữu dụng để phát triển sản phẩm/dịch vụ, sao cho đáp ứng được nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng. Thay vì tiếp cận theo phương pháp truyền thống, tư duy thiết kế sẽ giúp bạn tập trung vào giải quyết vấn đề trọng tâm và đánh giá dưới góc nhìn đa chiều.
Tận dụng tư duy nhóm hiệu quả: Vì xây dựng triển khai tư duy nhóm đa ngành, do đó, phương pháp này sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng sự gắn kết, tăng khả năng tư duy của mỗi cá nhân.
Mang lại sự thấu hiểu, đồng cảm với người dùng: Từ việc thấu hiểu người dùng của thương hiệu, doanh nghiệp có thể từ đó đổi mới lại sản phẩm/dịch vụ và chỉnh sửa sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng nhất.
Thúc đẩy khả năng sáng tạo của toàn nhân viên: Sáng tạo mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nhờ vào việc tìm hiểu Design Thinking là gì, thương hiệu sẽ có nhiều giải pháp chất lượng hơn.
5 bước Design Thinking cơ bản
Design Thinking là một quy trình tuần hoàn, bao gồm 5 bước:
- Empathize: Đồng cảm, thấu hiểu với người dùng
- Define problem: Xác định vấn đề, nhu cầu của người dùng
- Ideate: Đưa ra những ý tưởng sáng tạo
- Prototype: Bắt đầu triển khai các ý tưởng
- Test: Kiểm tra và nhận phản hồi từ Prototype
Đồng cảm (Empathize)
Tư duy thiết kế là quá trình thương hiệu nghiên cứu thị trường, quan sát và trải nghiệm từ các tình huống thực tế của khách hàng để có thể thấu hiểu và đồng cảm. Điều này cho phép những nhà lãnh đạo gạt đi góc nhìn chủ quan của bản thân và thay vào đó là những góc nhìn thực tế, khai thác vào đúng “điểm đau” của khách hàng.
Xác định vấn đề (Define problem)
Sau khi tổng hợp dữ liệu và thông tin từ bước đầu tiên, thương hiệu sẽ bắt đầu đi sâu hơn để xác định trọng tâm của vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp tốt nhất. Ví dụ, thay vì xác định vấn đề theo mong muốn cá nhân của thương hiệu “Tăng 10% thị phần sản phẩm dinh dưỡng ở phân khúc các bạn học sinh tiểu học” thì chúng ta cần đặt lại vấn đề hướng đến khách hàng như “Các bạn học sinh tiểu học cần bổ sung thêm nhiều sản phẩm bổ dưỡng để phát triển toàn diện hơn”.
Tìm ý tưởng (Ideate)
Đây là lúc kỹ năng Brainstorming được phát huy mạnh mẽ nhất, thông qua các phương pháp như Brainwriter, Scamper, Worst Possible Idea… Ở bước này, bạn cần tìm ra càng nhiều ý tưởng và giải pháp thì càng tốt. Dựa vào những phương án được đề ra, thương hiệu sẽ lựa chọn tìm ra một giải pháp có tính khả thi nhất và chuyển sang bước 4.
Thiết kế mẫu để hữu hình hóa ý tưởng (Prototype)
Thương hiệu có thể hữu hình hoá các ý tưởng của mình bằng sản phẩm mẫu hoặc từ các mô hình. Qua việc nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá và dựa trên trải nghiệm cũng như nhu cầu của khách hàng, thương hiệu có thể loại dần những sản phẩm/giải pháp không đạt yêu cầu. Từ đó, đưa ra biện pháp nhằm cải tiến sản phẩm/dịch vụ tốt hơn.
Kiểm tra (Test)
Bước cuối cùng của quá trình 5 bước Design Thinking, thông thường, bước này được tiến hành lặp đi lặp lại nhằm thu thập phản hồi từ phía người dùng. Để cuối cùng, tạo ra được sản phẩm chất lượng nhất nhằm khắc phục được mọi vấn đề của khách hàng.
Lưu ý trong quy trình Design Thinking
- Các giai đoạn không tuân theo thứ tự cụ thể: Chúng có thể xảy ra song song và lặp lại. Vì vậy, bạn nên xem tổng quan về các chế độ hoặc các giai đoạn trong dự án sáng tạo thay vì tuần tụ các bước.
- Giải quyết các vấn đề chưa được xác định rõ ràng: Mô hình Design thinking giúp giải quyết các vấn đề chưa xác định rõ ràng hoặc chưa biết bằng cách lấy con người làm trung tâm, tạo ra nhiều ý tưởng trong phiên động não và áp dụng phương pháp thực hành.