Cohort Analysis là gì?
Cohort Analysis hay phân tích theo nhóm là một phương pháp phân tích dữ liệu được sử dụng rộng rãi trong marketing, giúp doanh nghiệp theo dõi và hiểu rõ hơn về hành vi của một nhóm người dùng cụ thể (cohort) theo thời gian.
Cohort là một nhóm người dùng có chung một đặc điểm nào đó và bắt đầu hành động trong cùng một thời điểm. Ví dụ:
- Cohort theo thời gian: Tất cả khách hàng đăng ký tài khoản trong tháng 1 năm 2024.
- Cohort theo nguồn: Tất cả khách hàng đến từ quảng cáo Google Ads.
- Cohort theo hành vi: Tất cả khách hàng đã thực hiện giao dịch đầu tiên.
Các loại Cohort Analysis
Việc lựa chọn loại Cohort Analysis phù hợp phụ thuộc vào mục tiêu nghiên cứu và dữ liệu sẵn có của doanh nghiệp. Bằng cách phân tích chi tiết các dữ liệu, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định kinh doanh và marketing phù hợp nhất.
Acquisition cohorts
Acquisition cohorts (nhóm tổ hợp thu hút) là một loại phân tích cohort tập trung vào nhóm người dùng mới biết về sản phẩm hoặc dịch vụ trong một khoảng thời gian cụ thể. Nói cách khác, doanh nghiệp sẽ chia nhỏ người dùng thành các nhóm dựa trên thời điểm họ bắt đầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Đây là công cụ phân tích hữu ích giúp các doanh nghiệp hiểu rõ về hành vi của người dùng mới và tối ưu hóa quá trình thu hút khách hàng.
Các chỉ số quan trọng trong Acquisition Cohorts có thể kể đến gồm:
- Tỷ lệ giữ chân (Retention rate): Tỷ lệ người dùng quay trở lại sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp sau một khoảng thời gian nhất định.
- Tỷ lệ rời bỏ (Churn rate): Tỷ lệ người dùng ngừng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
- Thời gian sử dụng trung bình: Thời gian trung bình mà người dùng dành cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
- Tần suất sử dụng: Số lần trung bình mà người dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định.
- Doanh thu trung bình trên mỗi khách hàng (ARPU): Doanh thu mỗi khách hàng mới mang lại cho doanh nghiệp.
Behavioral cohorts
Behavioral cohorts (nhóm tổ hợp hành vi) là kiểu phân tích cohort tập trung vào nhóm người dùng của doanh nghiệp có chung một hành vi cụ thể. Doanh nghiệp cần sử dụng Cohort Analysis excel, bảng biểu để chia nhỏ người dùng thành các nhóm dựa trên những gì họ làm với sản phẩm hoặc dịch vụ.
Các chỉ số quan trọng trong Behavioral Cohorts bao gồm:
- Tỷ lệ chuyển đổi: Tỷ lệ người dùng thực hiện một hành động mong muốn như mua hàng, đăng ký, thêm vào giỏ hàng,...
- Thời gian ở lại: Thời gian trung bình mà người dùng dành cho một trang hoặc tính năng cụ thể của sản phẩm.
- Tần suất tương tác: Số lần tương tác của người dùng với sản phẩm, dịch vụ trong một khoảng thời gian.
- Đường dẫn người dùng: Các bước mà người dùng đi qua trước khi thực hiện một hành động.
4 bước phân tích Cohort Analysis hiệu quả
Để thực hiện phân tích cohort hiệu quả và hiểu sâu hơn về hành vi của người dùng, doanh nghiệp cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Thu thập dữ liệu
Bước đầu tiên, doanh nghiệp của bạn cần xác định các chỉ số cần theo dõi, tùy thuộc vào mục tiêu của việc phân tích. Các chỉ số quan trọng bao gồm:
- Ngày đăng ký: là ngày mà khách hàng bắt đầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
- Hành vi của khách hàng: Mua hàng, xem sản phẩm, tương tác với ứng dụng, thêm vào giỏ hàng,...
- Doanh thu: Tổng số tiền mà khách hàng đã chi tiêu, chi trả dành cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Đồng thời, doanh nghiệp cần thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau như ứng dụng phân tích (Google Analytics, Mixpanel, Adobe Analytics,...), cơ sở dữ liệu khách hàng (CRM, ERP,...) và các nguồn bên ngoài (dữ liệu từ các nền tảng quảng cáo, mạng xã hội,...). Điều này giúp các doanh nghiệp hiểu rõ phản hồi từ khách hàng, đánh giá hiệu quả trong hoạt động marketing và kinh doanh, nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Bước 2: Xây dựng Cohort
Doanh nghiệp cần nhận định rõ ràng mục tiêu phân tích của doanh nghiệp để chia ra các nhóm khách hàng (cohort) khác nhau. Từ đó, sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu và thiết lập các bảng Cohort Analysis excel để phân tích nhóm khách hàng, có hiển thị rõ ràng các chỉ số, thông tin quan trọng theo từng đối tượng.
Bước 3: Phân tích dữ liệu
Doanh nghiệp có thể phân tích dữ liệu bằng cách so sánh hành vi của các nhóm khách hàng (cohort) khác nhau để tìm ra những điểm khác biệt và tương đồng. Đồng thời tính toán các chỉ số như tỷ lệ khách hàng quay trở lại sử dụng sản phẩm sau một khoảng thời gian nhất định, tỷ lệ khách hàng ngừng sử dụng sản phẩm, doanh thu mà mỗi khách hàng mang lại, tổng doanh thu mà một khách hàng mang lại trong suốt thời gian sử dụng sản phẩm,....
Sau đó, hãy sử dụng các loại biểu đồ như biểu đồ đường, biểu đồ cột để trực quan hóa dữ liệu và dễ dàng so sánh hành vi của người dùng.
Bước 4: Đưa ra hành động
Trước khi đưa ra hành động cụ thể, doanh nghiệp cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong hành vi của các nhóm khách hàng. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng tỷ lệ giữ chân và doanh thu của doanh nghiệp. Sau một khoảng thời gian hành động, doanh nghiệp phải theo dõi hiệu quả của chiến lược đã thực hiện và có sự điều chỉnh nếu cần thiết.