Những content creator giỏi sẽ tạo ra những ý tưởng và “sản phẩm” đạt được mục tiêu của doanh nghiệp – thu hút người xem và biến họ thành khách hàng. Tuy nhiên, cũng không ít lần, chúng ta bắt gặp những nội dung mang đến cảm xúc tiêu cực từ cách xây dựng nội dung lệ thuộc trào lưu. Hãy thử nghĩ xem, để nội dung được tạo ra thật bắt mắt và thu hút người dùng, với vai trò người sáng tạo ra nội dung giỏi, chúng ta nên táo bạo đề xuất những ý tưởng “độc-lạ” để trở thành người dẫn đầu xu hướng hay chỉ cần “gió chiều nào, theo chiều ấy” chạy theo những trào lưu?
Sáng tạo nội dung là làm gì?
Hiểu về sáng tạo nội dung
Content Creator là người tận dụng khả năng sáng tạo vào việc sản xuất nội dung trên các phương tiện truyền thông để thu hút khán giả. Nội dung ở đây có thể được thể hiện qua nhiều hình thức, chẳng hạn như câu chữ (caption), hình ảnh, video… Với trách nhiệm tạo ra những nội dung có thể tạo ấn tượng tích cực về doanh nghiệp/sản phẩm trong mắt người dùng, nội dung của họ cần phải mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho người xem.
Không giống với Content Writer thiên về viết lách trên blog hay Copywriter chỉ thiên về viết lời quảng cáo, slogan… Một Content Creator buộc phải tích lũy đa dạng các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc trên nhiều nền tảng và hình thức sản phẩm khác nhau.
Các bước trong quy trình sáng tạo nội dung
Về cơ bản, bạn có thể học theo quy trình sáng tạo nội dung cơ bản của Hubspot, gồm các bước:
- Nghiên cứu và chọn lọc từ khóa (SEO)
- Lên ý tưởng và dàn ý bài viết
- Viết bài
- Đọc lại, chỉnh sửa
- Xuất bản
- Chia sẻ trên nhiều nền tảng, giúp nội dung tiếp cận được nhiều người dùng nhất có thể
Các loại nội dung kỹ thuật số (digital content) phổ biến hiện nay
Việc sáng tạo nội dung không chỉ gói gọn trong một vài nền tảng như website hay kênh social, nó còn có thể trải rộng ra các loại khác nữa. Trong đó, digital content chiếm ưu thế về độ phổ biến so với báo giấy hoặc tạp chí.
Một số loại nội dung kỹ thuật số thường được dùng:
- Văn bản: bài viết trên mạng xã hội, blog website, bài hướng dẫn, bài review, nhận xét, ebook, nội dung mô tả sản phẩm, nghiên cứu, sách trắng, chú thích, chú giải,…
- Video: vlog, hậu trường, phim ảnh, phỏng vấn, hội thảo, nội dung do người dùng tạo (user-created content), phát sóng trực tiếp, Q&A,…
- Hình ảnh: ảnh chụp, ảnh UGC, infographic, GIF, memes, quotes,…
Mô tả công việc của một nhà sáng tạo nội dung
Tùy thuộc vào vị trí, lĩnh vực và yêu cầu doanh nghiệp mà công việc của một content creator có thể giống hoặc rất khác nhau. Tuy nhiên, khi nói về những công việc phổ biến nhất của nghề này, thì tên của những công việc sau chắc chắn sẽ xuất hiện:
- Phân tích ưu nhược điểm thương hiệu
- Nghiên cứu, phân tích nội dung sao cho tối ưu với công cụ tìm kiếm (SEO)
- Lên ý tưởng và kế hoạch nội dung
- Thực thi: Content Writing/Copywriting
- Thiết kế hình ảnh
- Sản xuất video
- Audit, chỉnh sửa nội dung
- Chia sẻ, tiếp thị nội dung lên các nền tảng khác nhau
- Seeding
Vì sao nội dung sáng tạo phải dẫn đầu xu hướng?
Sáng tạo nội dung chính là quá trình cô đọng lại những yếu tố đặc sắc nhất cho một sản phẩm thông qua các công cụ, phương tiện khác nhau. Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện tại, mỗi ngày, đều có hàng trăm, hàng ngàn nội dung xuất hiện trên các trang mạng xã hội, bản thân người dùng cũng sẽ cảm thấy bị “loãng” với những thông tin họ nhìn thấy. Chính vì vậy, sự độc đáo của nội dung sáng tạo sẽ trở thành điểm nổi bật khi đặt bài viết của bạn giữa hàng trăm, hàng ngàn bài viết khác.
Những yêu cầu đối với một người làm nghề sáng tạo nội dung chính là khả năng viết, không chỉ dừng lại ở viết hay mà còn phải thú vị và lôi cuốn. Trong câu chữ của người viết đôi lúc phải có âm thanh, sắc màu, mùi vị, và có khả năng truyền cảm hứng, thôi thúc, đến người đọc. Những yêu cầu này chính là “gia vị” để tạo ra một xu hướng trên mạng xã hội. Không còn gì để bàn cãi với tác động của một xu hướng tích cực: các chỉ số truyền thông xã hội tăng cao, nhận diện thương hiệu và tạo ra một hình ảnh doanh nghiệp tốt đẹp trong mắt người dùng và mang về nhiều khách hàng cho doanh nghiệp.
Một người làm sáng tạo giỏi thôi là chưa đủ, đôi lúc tạo ra xu hướng còn cần phải hội tụ “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” thì mới có thể bùng nổ trong cộng đồng. Tuy nhiên, mức độ thành công của một sản phẩm nội dung không phải là có tạo thành một xu hướng được săn đón hay không. Thành công của một nội dung (copy) chính là bạn phải đạt được mục tiêu ban đầu mà doanh nghiệp đề ra – tạo dựng hình ảnh thương hiệu và thu hút khách hàng tiềm năng.
Chạy theo trào lưu cũng không phải là ý tưởng tồi!
Nếu bạn đã từng nghe đến cụm từ FOMO (Fear of Missing out) – hội chứng sợ bỏ lỡ, một hội chứng khá phổ biến ở giới trẻ hiện này – chiếm phần lớn người dùng trên mạng xã hội, trào lưu chính là một ví dụ điển hình. Và hội chứng này sẽ giải thích cho bạn vì sao trong “cơn bão” trào lưu, mọi người có xu hướng tương tác nhiều hơn trên mạng xã hội.
Chạy theo trào lưu “kịp thời” cũng là một cách hay để “bung lụa” sáng tạo
Điểm đặc biệt của trào lưu là tạo ra niềm vui, tính giải trí cao trên mạng xã hội nên thu hút được nhiều người. Tính cập nhật và lan tỏa là 2 yếu tố của mọi trào lưu thu hút cộng đồng mạng, nó mạnh hơn bất kỳ con virus truyền thông nào. Và các thương hiệu nên tận dụng những thời điểm này để biến hóa cho nội dung của thương hiệu mình trở nên hấp dẫn hơn, cả về hình thức lẫn nội dung.
“Marketing ăn theo” là cụm từ dành cho những người chạy theo trào lưu hiện hành trên các trang mạng xã hội. Các doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ tạo ra những bài đăng được biến hóa trên những trào lưu đó. Tuy nhiên, các nội dung ăn theo trào lưu nếu không muốn trở nên quá phản cảm hay “gồng” mình trong mắt khán giả, người sáng tạo nội dung cần phải thật cẩn trọng để thông tin mang đến người dùng phải phù hợp với sản phẩm và đối tượng của doanh nghiệp.